Tin tức

Kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và những kiến nghị từ thực tiễn

(DĐDN)- Bộ Công Thương vừa có CV số 10710/BCT-KH gửi VCCI thông báo về việc giải quyết các kiến nghị của DN được VCCI tập hợp, trong đó có phần trả lời về vấn đề liên quan tới kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

Cụ thể, Cty TNHH DHV-GAS đã có kiến nghị liên quan đến dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng:

 

Cty DHV-GAS hỏi: Tại khoản 2 Điều 13 dự thảo có quy định thương nhân phân phối LPG phải “Có kho LPG với tổng sức chứa các bồn tối thiểu 400 m3 để tiếp nhận LPG từ tầu hoặc phương tiện vận chuyển khác, được xây dựng theo quy hoạch, đảm bảo quy chuẩn hiện hành, thuộc sở hữu thương nhân hoặc đồng sở hữu góp vốn xây dựng” và tại khoản 3 Điều 13 quy định “Có tối thiểu 100.000 chai LPG các loại thuộc sở hữu của thương nhân; các chai LPG này phải phù hợp với nhãn hàng hóa đã được đăng ký theo quy định của pháp luật tại cơ quan chức năng có thẩm quyền”. Dự thảo đưa ra những thông số cụ thể này dựa trên cơ sở lý luận nào?

 

Bộ Công Thương trả lời: Trong quá trình rà soát các quy định và tình hình thực thi Nghị định số 107/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, nhận thấy một số quy định về điều kiện của các thương nhân kinh doanh LPG chưa sát với thực tế, đặc biệt là các điều kiện về số lượng chai LPG và kho chứa LPG chưa phù hợp gây khó khăn cho DN và làm lãng phí tài sản đầu tư của xã hội.Vì vậy, dự thảo Nghị định đã điều chỉnh giảm một số điều kiện đối với các loại hình thương nhân kinh doanh LPG so với Nghị định số 107/2009/NĐ-CP, cụ thể:

 

Về quy định số chai LPG: Đối với thương nhân phân phối LPG (Tương đương với thương nhân phân phối LPG cấp I theo Nghị định số 107/2009/NĐ-CP) quy định số lượng chai tối thiểu giảm 3 lần từ 300.000 chai xuống còn 100.000 chai.

 

Về quy định bồn chứa LPG: Đối với thương nhân phân phối LPG quy định giảm từ 800 m3 xuống còn 300 m3, nhằm đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung cấp LPG cho khách hàng trước biến động phức tạp của thị trường, theo yêu cầu bảo đảm mức dự trữ lưu thông 15 ngày, trên cơ sở: Trung bình một chai LPG 12 kg có vòng quay 4 tháng/lần (3 vòng trong 1 năm), lượng LPG tiêu thụ của một thương nhân phân phối LPG là 100.000 chai x 3 vòng x 12kg/1.000kg = 3.600 tấn/năm = 300 tấn/tháng. Do vậy, quy định 300 m3 (tương đương với 150 tấn) sẽ đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu 15 ngày đối với hoạt động cung cấp LPG cho 100.000 chai, phù hợp với năng lực của các thương nhân hoạt động vùng sâu, vùng xa nơi chưa có khác hàng công nghiệp và trạm cấp LPG dành cho khu dân cư. Bên cạnh đó, theo Công văn số 166/BTP-PLDSKT ngày 13/8/2015 của Bộ Tư pháp khẳng định “Đề xuất trong dự thảo nghị định đã được Bộ Công Thương tính toán phù hợp với hoạt động kinh doanh khí thực tiễn, bảo đảm thống nhất với quy định về mức dự trữ lưu thông 15 ngày”.

 

Cty DHV-GAS hỏi: Theo quy định tại Điều 13, 14 và 26 của dự thảo nghị định, chúng tôi hiểu rằng: Trạm chiết nạp LPG muốn được cấp phép hoạt động, ngoài các điều kiện về sức chứa, số lượng vỏ chai... thì còn phải có một giấy chứng nhận loại hình thương nhân phân phối, DN lại tiếp tục gửi hồ sơ đến Sở Công Thương để yêu cầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai. Quy định Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận loại hình thương nhân phân phối nhằm mục đích gì?

 

Bộ Công Thương trả lời: Thương nhân phân phối LPG thuộc nhóm thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, là nơi phát nguồn LPG trên thị trường, có các quyền có thể tác động đến sự biến động của thị trường LPG. Vì vậy, dự thảo nghị định về kinh doanh khí đã giao trách nhiệm cho Bộ Công Thương thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với loại hình thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Đối với các loại hình thương nhân kinh doanh LPG còn lại và toàn bộ cơ sở vật chất kinh doanh LPG đặt tại địa bàn việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sẽ phân cấp và giao trách nhiệm cho Sở Công thương trên địa bàn thực hiện.

 

Cty DHV-GAS hỏi: Tại Khoản 1 Điều 18 dự thảo quy định Quyền và nghĩa vụ của tổng đại lý kinh doanh LPG như sau: “Lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 3 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định này” và tại khoản 1 Điều 21 quy định Quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh LPG; “Lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 1 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định này”. Dự thảo quy định như vậy là không hợp lý, trái với quy định của pháp luật.

 

Bộ Công Thương trả lời: Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP đã quy định “Tổng đại lý kinh doanh LPG có quyền lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 3 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối; đại lý kinh doanh LPG có quyền lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý hoặc 3 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối”.

 

Bên cạnh đó, tại Công văn số 166/BTP-PLDSKT, Bộ Tư pháp đã khẳng định “Về cơ bản, nội dung dự thảo Nghị định phù hợp với quy định của Hiến pháp, không có quy định trái, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh khí”.

( Theo Thanh Lan Nguyễn Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Ngày 18/04/2017)

Đối tác khách hàng
prev_doitac next_doitac
PETRO
F.A CO
SGP
H A GAS